Tình trạng các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có bao bì nhãn mác, hoặc thậm chí là ôi thiu, quá hạn sử dụng…vẫn còn xuất hiện gây nhiều nỗi lo về sức khỏe cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, thời gian qua huyện Pác Nặm đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện kiểm soát nguồn thực phẩm được sản xuất, vận chuyển và kinh doanh trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được huyện Pác Nặm triển khai bằng nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSTP, huyện Pác Nặm đã tập trung phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSTP; các tiêu chuẩn, quy định điều kiện và kiến thức khoa học về ATVSTP… để giúp mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm ATVSTP. Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra theo phân cấp quản lý Nhà nước; tuyên truyền nội dung ATVSTP tại các cuộc họp thôn, bản, chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuyên truyền cho các đối tượng là đồng bào DTTS không sử dụng các loại rau, nấm rừng, thịt động vật chết không rõ nguyên nhân tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Pác Nặm hiện có 269 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; có 169 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống. Để đảm bảo ATVSTP, công tác thanh, kiểm tra được huyện đặc biệt chú trọng tăng cường. Theo đó, ngoài tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện còn tập trung kiểm tra vào các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và trọng tâm là tháng ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; khám sức khỏe định kỳ; cập nhật kiến thức ATVSTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm; kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP đối với cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người theo quy định…
Đồng chí Ma Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Nhằm tăng cường công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn, giúp người dân lựa chọn được những thực phẩm an toàn thì thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục trú trọng nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo ATVSTP. Tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo ATVSTP, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về công tác đảm bảo ATVSTP đến mọi người dân, tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không đảm bảo ATVSTP hoạt động….
Theo báo cáo của UBND huyện, từ đầu năm đến nay, huyện Pác Nặm đã tổ chức được 01 đợt kiểm tra về ATTP tại tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua kiểm tra, có 45 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP, huyện đã xử phạt trên 1,2 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các cơ sở này cam kết không tái phạm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của các ngành chức năng, huyện Pác Nặm đang nỗ lực trong công tác kiểm soát nguồn thực phẩm trên địa bàn, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm một cách hiểu biết để thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc không thể len lỏi vào đời sống của người dân./.
Nguồn: Cổng TTĐT huyện Pác Nặm